Yêu cầu được Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đưa ra tại Hội nghị Thành ủy thành phố mở rộng tối 25/7, trong bối cảnh TP HCM trải qua 17 ngày giãn cách cách xã hội theo Chỉ thị 16 và ghi nhận hơn 58.000 ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch thứ tư.
 
"Từ tối mai, người dân không ra đường sau 18h. Tất cả hoạt động tạm dừng, trừ cấp cứu và điều phối dịch bệnh", ông Phong nói.
 
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị, tối 25/7. Ảnh: Mạnh Tùng.
 
Trước đó, Chủ tịch TPHCM cho biết hiện nay một số địa bàn diễn ra việc tiếp xúc, giao lưu với nhau, thậm chí nhiều người đi trên đường dù thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
 
"Sáng nay, đi từ trung tâm xuống Bình Tân, Củ Chi rồi qua TP Thủ Đức, tôi đã gọi từng chủ tịch quận huyện, làm việc ngay với công an, quân sự để có biện pháp siết chặt ngay", ông Phong nói và cho biết văn bản 2468 về tăng cường các biện pháp mạnh mẽ thực hiện Chỉ thị 16 từ hôm qua nhưng tình trạng này đến nay vẫn còn xảy ra.
 
"Chúng ta phải nhận thấy rằng việc này rất nguy hiểm, là nguyên nhân khiến dịch kéo dài. Nếu không kiểm soát dịch sẽ tồi tệ hơn, bắt buộc chúng ta phải áp dụng những biện pháp mạnh hơn và cao hơn, có thể sẽ ảnh hưởng rất nhiều mặt", ông Phong nói.
 
Người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết, trước đây thành phố đưa ra 3 kịch bản sau khi hết 15 ngày áp dụng Chỉ thị 16. Thời gian vừa qua dù rất cố gắng thành phố không đạt được mục tiêu như kịch bản thứ nhất là kiểm soát được dịch nên thực hiện kịch bản thứ hai là tăng cường các biện pháp mạnh mẽ, siết chặt Chỉ thị 16. Với tình hình như hiện nay, kịch bản thứ ba nhiều khả năng sẽ phải áp dụng cùng nhiều biện pháp khẩn cấp.
 
"Đây là điều thành phố không muốn, nhưng vì chỉ có một con đường đó là phải chiến thắng dịch bệnh nên tôi đề nghị các đồng chí trên tinh thần Chỉ thị 12 phải quyết liệt triển khai các giải pháp mà văn bản 2468 đề ra", ông Phong nói.
 
Theo ông Phong, để kịch bản thứ ba không xảy ra, trên cơ sở Chỉ thị 12, UBND thành phố đã ban hành công văn 2468, với các biện pháp rất quyết liệt, chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đời sống người dân. "Tôi mong người dân chia sẻ, hợp tác với chính quyền thành phố để công tác chống dịch đạt kết quả", ông Phong nói và cho rằng nếu người dân còn ra đường dịch vẫn diễn biến phức tạp.
 
CSGT kiểm tra người đi lại ở chốt kiểm soát trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, hồi tháng 5/2021. Ảnh: Hữu Khoa.
 
Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị lực lượng công an, quân sự và chính quyền địa phương phải tăng cường tuần tra, kiểm soát 24/24h; đồng thời kiểm tra thường xuyên việc chấp hành quy định tại các khu dân cư, trên đường phố và xử lý nghiêm vi phạm, thậm chí tạm giữ hành chính nếu chống đối lực lượng chức năng. Các cá nhân vi phạm quy định, gây lây lan dịch, cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
 
"Thành phố sẽ xử lý thật nghiêm, trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị nếu có thái độ thờ ơ, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, chậm giải quyết phản ánh của người dân, dẫn đến dịch lây lan tại nơi mình quản lý", ông Phong nói.
 
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng yêu cầu chính quyền địa phương phải tập trung lực lượng siết chặt các khu phong tỏa "nội bất xuất, ngoại bất nhập", tổ chức mang nhu yếu phẩm đến từng nhà hoặc tổ chức tình nguyện viên đi chợ thay.
 
Các tổ chức, cá nhân muốn trợ giúp lương thực cho người dân khu vực phong tỏa, đề nghị liên hệ với tổ quản lý để có biện pháp đưa đến từng hộ, không để người dân tự ra ngoài nhận trực tiếp.
 
Phó bí thư thường trực Thành uỷ TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, thực hiện nghiêm Chỉ thị 12 trong hai tuần tới, thành phố tập trung cho 5 nhóm nhiệm vụ.
 
Thứ nhất, tuyên truyền, vận động để các ngành, các cấp, người dân thành phố tự giác phòng chống dịch, hợp tác thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.
 
Thứ hai, chính quyền thành phố bằng nhiều biện pháp sẽ tổ chức giãn cách xã hội triệt để.
 
Thứ ba, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý các tình huống để đảm bảo việc thực hiện giãn cách nghiêm.
 
Thứ tư, đảm bảo cung ứng hàng hoá thiết yếu, nhất là lương thực thực phẩm, trong đó chú ý việc chăm lo đời sống cho người nghèo, người yếu thế.
 
Thứ năm, đảm bào hoạt động cho hệ thống y tế, bảo vệ sức khoẻ cho người dân, đặc biệt điều trị bệnh nhân Covid-19.
 
Hôm 22/7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên ký Chỉ thị 12, yêu cầu trong 2 tuần tới, TP HCM siết chặt Chỉ thị 16 và tăng cường một số biện pháp cấp bách để phong toả, kiềm chế tốc độ lây lan của Covid-19.
 
Theo đánh giá của Thành ủy TP HCM, sau thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16, dịch tại thành phố vẫn diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm hàng ngày ở mức rất cao, nhất là trong các khu phong toả, cách ly. Số đang điều trị, số ca nặng, tử vong ngày càng tăng. Nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư thiết bị chống dịch đã quá tải...
 
Nguồn: https://vnexpress.net/
 
Bài viết khác liên quan