Bức tranh toàn cảnh
 
Cuộc chạy đua 6G giữa các quốc gia đang diễn ra gắt gao mặc dù ít nhất phải 10 năm nữa 6G mới được đưa vào sử dụng. Tại châu Á, các cường quốc công nghệ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước khác đang trong giai đoạn cố gắng hết sức để dẫn đầu cuộc đua này.
 
Mỹ và châu Âu hiện đang gấp rút triển khai vùng phủ sóng 5G ở các thành phố lớn, nhưng điều này không thể cản bước họ vượt lên trước các đối thủ thương mại, đặc biệt là Trung Quốc, để có bước nhảy vọt tiếp theo trong lĩnh vực viễn thông.
 
Thượng nghị sĩ Mỹ Mark Warner cho biết, dù châu Âu có các nhà sản xuất thiết bị 5G hàng đầu như Ericsson của Thụy Điển hay Nokia của Phần Lan, phương Tây sẽ không giành chiến thắng trong trận chiến 6G nếu không hợp tác, đặc biệt là Mỹ - quốc gia không có các nhà sản xuất viễn thông ngang tầm với châu Âu.
 
"Không một công ty phương Tây nào có thể cạnh tranh với mô hình của Trung Quốc. Chúng ta không nên thúc ép công ty thắng cuộc, điều cần làm là lựa chọn công nghệ phù hợp và đầu tư liên kết”, ông Warner nói.
 
Cuộc đua 6G 'gắt gao' giữa các cường quốc công nghệ
 
Nếu 5G tạo điều kiện cho một thế giới tương tác giữa con người và máy móc như ô tô không người lái, trí tuệ nhân tạo (AI) và kết nối vạn vật (IoT), thì 6G sẽ giúp xây dựng một thế giới kỹ thuật số phản ánh cuộc sống thực, cho phép các mô hình máy tính kiểm soát và dự đoán nhiều hơn nữa sự kiện hàng ngày như găng tay được kết nối Internet để điều khiển các vật thể ảo ở xa và giao diện máy tính - não bộ hay các cuộc gọi ảnh ba chiều giống như trong phim.
 
John Roese, Giám đốc công nghệ toàn cầu của Dell Technologies cho biết: “Cuộc chiến giành 6G không chỉ đơn thuần là cuộc chiến giữa các thiết bị không dây, ăng-ten hay các trạm gốc mà nó phức tạp và chiến lược hơn rất nhiều”.
 
Cuộc đua “gắt gao”
 
Các chuyên gia cho biết 6G ​​có khả năng làm tăng thêm sự cạnh tranh giữa phương Tây và Trung Quốc trong những năm tới. Magnus Frodigh, trưởng bộ phận nghiên cứu của Ericsson chia sẻ, các quốc gia có quan điểm khác nhau về nhu cầu bảo mật và quyền riêng tư, điều này có thể ảnh hưởng đến các ứng dụng và thậm chí cả kiến ​​trúc của mạng 6G trong tương lai.
 
Tại Mỹ, cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2019 cho biết ông muốn 6G “càng sớm càng tốt”. Tại EU, Ủy viên Thị trường Nội bộ Thierry Breton đã nhấn mạnh quan điểm này trong hơn một năm. Ủy ban Châu Âu đã đưa 6G vào chiến lược mục tiêu kỹ thuật số năm 2030, cùng với các công nghệ như điện toán lượng tử và chất bán dẫn.
 
Vào tháng 10 năm 2020, AT&T, Nokia và Qualcomm đã thành lập Liên minh 6G - Next G Alliance thông qua Liên minh các Giải pháp Công nghiệp Viễn thông (ATIS) có trụ sở tại Mỹ. Next G Alliance có tổng cộng 6 nhóm làm việc với các thành viên là 48 công ty trong các lĩnh vực viễn thông, phần mềm và bán dẫn.
 
Tại châu Âu, các công ty đã khởi động dự án Hexa-X vào tháng 1/2021, bao gồm các nhà nghiên cứu và kinh doanh để thiết kế và phát triển 6G. Dự án do Nokia dẫn đầu và Ericsson hỗ trợ, với sự tham gia của 25 tổ chức từ 9 quốc gia EU.
 
Tại Trung Quốc, các nhà chức trách đã chọn 6G là ưu tiên hàng đầu trong “kế hoạch 5 năm” gần đây nhất của mình. Các nhà lãnh đạo trong ngành như Huawei, ZTE và các nhà khai thác viễn thông của quốc gia tỷ dân này cũng đã khởi động các dự án nghiên cứu của riêng họ.
 
Samsung đang dẫn đầu “xứ sở kim chi” về nghiên cứu 6G, trong khi Nhật Bản đã dành 450 triệu USD tài trợ cho nghiên cứu để đưa ra giới thiệu 6G tại sự kiện Osaka World Expo 2025.
 
Hợp tác cùng phát triển?
 
Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng xuất phát điểm vững chắc. Theo Maikel Wilms - một cộng sự lâu năm tại Boston Consulting Group cho biết, châu Âu thường làm khá tốt trong việc nghiên cứu thực tế, vấn đề của họ là làm thế nào huy động được các nguồn lực để phát triển. Tuy có sức ảnh hưởng lớn, nhưng cả Ericsson và Nokia đều không có thế mạnh kinh tế như hai “gã khổng lồ” công nghệ Amazon hay Apple.
 
Mặc dù có các công ty công nghệ lớn nhất và giàu nhất trên thế giới, Mỹ không phải là nước dẫn đầu thế giới về phần cứng viễn thông. Nước này đang đặt cược vào Amazon, Microsoft, Apple, Facebook và Google - những công ty cũng đang tranh giành thị phần trong “miếng bánh” 5G. Nhìn chung các Big Tech có đủ nguồn lực, nhưng nó vẫn cần phải bắt kịp và đánh bại các nhà cung cấp viễn thông trong cuộc chơi này.
 
Với tình hình địa chính trị vào năm 2021, vẫn chưa rõ liệu các nhà ngoại giao có thành công trong việc xây dựng các tiêu chuẩn 6G thống nhất áp dụng trên toàn cầu trong một vài năm tới hay không.
 
Trưởng đại diện của Huawei tại EU, Abraham Liu tỏ ra lạc quan: “Bài học chúng ta đã học được trong thời gian gần đây là tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu. Chỉ khi Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và những nước khác hợp tác với nhau, chúng ta mới có thể đạt được một tiêu chuẩn thống nhất, duy nhất cho 6G”.
 
John Roese cho rằng châu Âu rất có thể sẽ hợp tác với Mỹ. Các nhà hoạch định chính sách ở phương Tây sẽ cần tăng cường quan hệ đối tác với khu vực tư nhân mạnh mẽ hơn và tập trung cùng một hướng. Một số hỗ trợ có thể đến từ gói cơ sở hạ tầng trị giá 2 nghìn tỷ USD do Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất, được định hình rõ ràng là một cách để cạnh tranh với Trung Quốc.
 
Hương Dung (Theo Politico)
 
Bài viết khác liên quan