Ông Lê Hồng Tịnh - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường đề xuất điều chỉnh giá điện 2 hoặc 4 lần một năm để "tránh gây sốc".
 
Góp ý trên được đưa ra tại hội thảo góp ý về đề án cải tiến biểu giá bán lẻ điện bậc thang ngày 5/11. 
 
"Điều chỉnh như vậy giá sẽ lên, giảm từ từ, chứ không gây sốc cho người tiêu dùng vì bị 'nén' quá lâu như vừa qua và điều chỉnh tăng giảm phù hợp với thị trường", ông Lê Hồng Tịnh nhận xét.
 

Ông Lê Hồng Tịnh - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Ảnh: H.T
 
Theo ông, điện đang hướng tới thị trường bán lẻ cạnh tranh nên chính sách giá  cũng cần phải đảm bảo nguyên tắc thị trường, nhất là trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện đang cận kề. Ngoài ra, khi giá hợp lý sẽ thu hút đầu tư vào ngành này, khắc phục được tình trạng "ngành điện teo tóp, bán dưới giá thành" như hiện nay.
 
Cũng để "tránh gây sốc" cho người dân nhưng một số ý kiến khác đề xuất có thể điều chỉnh 6 tháng một lần (tức hai lần trong một năm) và cần luật hóa quy định điều chỉnh giá.
 
Giáo sư Trần Đình Long cho rằng cần phải điều chỉnh thường xuyên giá điện để theo chu kỳ biến thiên của thị trường. "Trong luật, Thủ tướng là người quyết định giá điện tăng trên 10% chứ không phải thị trường, nên ta phải dung hòa, không phải ngày nào cũng theo thị trường, nhưng có thể tính toán 1 năm 2 lần và thành luật để thực hiện", ông nêu ý kiến. 
 
Ông Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng ủng hộ phương án tăng giá điện 6 tháng một lần. "Dứt khoát phải thực hiện, kể cả không điều chỉnh cũng phải thông báo để người dân biết lý do".
 
Ở góc độ đơn vị tư vấn, ông Bùi Xuân Hồi - chuyên gia đến từ Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, để điều chỉnh được giá điện như các đề xuất, cần xác định chỉ tiêu biểu giá bán lẻ điện bình quân rõ ràng hơn. Điều này nhằm đảm bảo doanh thu ngành điện và các mục tiêu sản xuất kinh doanh, phát triển hệ thống điện khi nhu cầu vẫn tăng trưởng 10-12% như hiện nay.
 
Đơn vị tư vấn cũng nhấn mạnh, đề án này chỉ cải tiến cơ cấu biểu giá trong Quyết định 28/2014, khi đây vẫn là giá một thành phần (giá tính dựa theo lượng điện tiêu thụ của hộ dùng điện). Do đó, đề án này chưa đề cập một cách bài bản và chính xác các khía cạnh về đặc điểm phụ tải hệ thống với từng hộ tiêu thụ để tính toán chính xác định lượng hơn chi phí từng hộ tiêu dùng. 
 
"Giai đoạn tới với lộ trình cải tổ, ngành điện cần tiếp tục thực hiện các nghiên cứu dài hạn hơn các biểu giá mà nền tảng phải là biểu giá 2 thành phần (phần giá cố định và giá tính theo lượng điện tiêu thụ) cho các đối tượng khách hàng, áp dụng thử nghiệm và tiến tới thay thế biểu giá một thành phần cho các hộ theo lộ trình phù hợp", ông Hồi đề xuất. 
 
Cũng tại hội thảo, đơn vị tư vấn đề xuất phương án biểu giá điện theo 5 bậc thang, để "phù hợp với các mục tiêu định giá, trong đó hộ tiêu dùng bậc từ 101-200 kWh một tháng (là hộ tiêu dùng phổ biến, lớn nhất hiện nay) chịu tác động ít nhất".
 
Anh Minh
 
Bài viết khác liên quan