Trưa 24/10, ông Trần Minh Nghĩa, Giám đốc công ty cổ phần đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng, cho biết sự việc xảy ra lúc 22h ngày 23/10 do mưa lớn và nước lũ chảy siết, khoảng 30 m đường sắt qua huyện Núi Thành chỉ còn lại đường ray phía trên.
Đoạn đường sắt dài khoảng 30 m bị nước lũ cuốn trôi. Ảnh: Thắng Đại
Ngoài ra, nước lũ ngập khoảng 30 cm đoạn đường sắt từ km 895+800 đến km 897+200, gây sạt lở nền đường khoảng 200 m tại km877+640. "Dự kiến khoảng 20h ngày 24/10, đơn vị sẽ khắc phục xong và thông tuyến", ông Nghĩa nói.
Sạt lở đường sắt khiến chuyến tàu SE7 chở 251 hành khách đi từ Hà Nội vào TP HCM phải dừng ở ga Tam Kỳ (Quảng Nam) lúc 2h ngày 24/10. Đến 9h cùng ngày, cơ quan chức năng dùng xe ôtô trung chuyển số hành khách ra ga Quảng Ngãi để tiếp tục hành trình.
Hành khách xuống ga Tam Kỳ được chuyển vào ga Quảng Ngãi tiếp tục hành trình sáng 24/10. Ảnh: Đắc Thành.
Tương tự, tối qua nước lũ chảy xiết cuốn trôi hoàn toàn 30 m nền đường sắt Bắc Nam, gây xói lở 20 m nền đường ray, đoạn qua huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Sáng nay, Công ty cổ phần đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng đã huy động lực lượng, phương tiện để khắc phục, dự kiến tạm hoàn thành trong tối nay để tàu chạy. Sau đó, đơn vị sẽ có phương án xử lý.
30 m nền đường sắt đoạn qua huyện Bình Sơn bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Ảnh: Thạch Thảo
Ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường kết hợp hoạt động của đới gió Đông trên cao khiến nhiều tỉnh miền Trung mưa to. Lượng mưa ngày từ ngày 22 đến 23/10 các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định phổ biến từ 100 đến 400 mm, riêng Quảng Nam và Quảng Ngãi có nơi 600 mm.
Lượng mưa từ đêm 23 đến sáng 24/10 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên phổ biến từ 60 đến 100 mm; một số trạm có lượng mưa lớn như Tam Trà (Quảng Nam) 252 mm; Trà Hiệp (Quảng Ngãi) 160 mm; Trà Phú (Quảng Ngãi) 155 mm; An Chấn (Phú Yên) 109 mm.
Hiện lũ trên sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) đã đạt đỉnh và đang xuống; các sông ở Quảng Nam lên chậm.