Sáng 12.1, Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp (KCX-CN) TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác trong năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022. Trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Thích ứng bình thường mới
 
Theo báo cáo của Công đoàn KCX-CN, từ tháng 4 - 9.2021, khi dịch Covid-19 len lỏi vào các doanh nghiệp trong KCX, khu công nghiệp (KCN) và khu công nghệ cao của TP.HCM, đã có khoảng 10.000 công nhân là F0 và hơn 20.000 công nhân thuộc diện F1, F2. Gần 80% công nhân không có việc làm từ 15.7.2021 - 30.9.2021 khi TP.HCM áp dụng “3 tại chỗ” và thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ.
 
Đến ngày 1.10.2021, khi TP.HCM điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hơn 563 doanh nghiệp với hơn 45.000 lao động ngưng áp dụng “3 tại chỗ” và chuyển sang phương thức sản xuất an toàn. 178 doanh nghiệp với hơn 25.000 lao động vẫn tiếp tục áp dụng “3 tại chỗ”. 490 doanh nghiệp với hơn 52.000 lao động hoạt động trở lại sau khi phải tạm ngưng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội từ ngày 15.7.
 
Tính đến ngày 28.10.2021, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động kể từ khi thực hiện chỉ thị 18 là 1.322/1.412 doanh nghiệp, với tổng số lao động là 210.590/288.161 người (đạt 73% số lượng lao động trong điều kiện bình thường). Tại các KCX, KCN, tỷ lệ người đã tiêm mũi 1 đạt 98%. Số người đã tiêm mũi 2 và F0 khỏi bệnh đạt 94%.
 
Về mặt hạn chế, do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, các hoạt động chăm lo chỉ triển khai ngắn gọn. Nhiều đoàn viên công đoàn, công nhân bị mất việc, giảm thu nhập. Dù công đoàn đã có chủ trương chăm lo, hỗ trợ nhưng với nguồn lực có hạn nên chưa thể hỗ trợ cho tất cả đoàn viên, công nhân lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
 
Ngoài ra, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh nên chưa chăm lo đầy đủ các chế độ cho người lao động. Cụ thể, tính đến 30.9.2021, tại các KCX, KCN trên địa bàn TP.HCM có 102 doanh nghiệp nợ trên 130 tỉ đồng tiền BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
 
Tập trung đảm bảo quyền lợi cho người lao động
 
Cũng theo báo cáo, trong năm 2022 Công đoàn các KCX-KCN tổ chức chương trình chăm lo Tết Nhâm Dần cho đoàn viên, công nhân lao động, công khai lương thưởng và thời gian nghỉ tết để công nhân yên tâm sản xuất. Tổ chức trao tặng vé tàu, máy bay cho công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê ăn tết. Đồng thời, nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của người lao động trước và sau dịp tết để kịp thời giải quyết vướng mắc, động viên người lao động tránh việc tranh chấp và đình công tự phát xảy ra tại các doanh nghiệp.
 
TP.HCM: 102 doanh nghiệp nợ trên 130 tỉ đồng bảo hiểm xã hội của người lao động - ảnh 1
Ông Phạm Chí Tâm trao bằng khen của Liên đoàn lao động TP.HCM cho đại diện các công đoàn cơ sở
 
Chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP.HCM cho biết, năm 2021 nhiều doanh nghiệp thuộc KCX, KCN thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và quyền lợi của người lao động. Việc chăm lo cho người lao động trong khoảng thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội gặp nhiều khó khăn, việc đi lại hạn chế khiến cho công tác vận chuyển nhu yếu phẩm đến người lao động đang thực hiện cách ly y tế, điều trị Covid-19 kịp thời nhất không hề dễ dàng và đòi hỏi sự nỗ lực của các công đoàn cơ sở.
 
Cũng tại hội nghị, ông Phạm Thanh Trực, Phó bí thư Đảng ủy, Phó ban quản lý các KCX-CN TP.HCM nhấn mạnh việc cần quan tâm, nắm bắt thông tin kịp thời để chăm lo cho người lao động tại các doanh nghiệp. Đặc biệt là giải quyết các vấn đề về quyền lợi của người lao động.
 
“Đối với các doanh nghiệp đang nợ trên 130 tỉ đồng tiền BHXH cần tăng cường thực hiện nghĩa vụ cho người lao động, nếu doanh nghiệp có khó khăn thì cần phản ánh kịp thời để cùng giải quyết sớm. Đảm bảo quyền lợi của người lao động”, ông Trực nói tại hội nghị.
 
Phát biểu kết thúc hội nghị, đại diện Công đoàn các KCX-CN TP.HCM, cho biết sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp. Đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế cụ thể, để ra các mục tiêu trong năm 2022, trước mắt là chăm lo đời sống cho người lao động dịp cận Tết Nhâm Dần.
Bài viết khác liên quan