Tác động của Omicron với người cao tuổi là một trong những câu hỏi lớn chưa có lời đáp vì hầu hết các ca mắc được nghiên cứu cho đến nay là những người trẻ tuổi.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu ý: “Dù Omicron có vẻ ít nghiêm trọng hơn so với Delta, đặc biệt là ở những người đã tiêm chủng, nhưng điều đó không có nghĩa là nó nên được phân loại là nhẹ. Cũng giống như các biến thể trước đó, Omicron khiến mọi người nhập viện và làm chết người".
Nhà lãnh đạo WHO nhắc lại lời kêu gọi về công bằng trong tiếp cận và phân phối vaccine COVID-19 trên toàn cầu. Dựa trên tốc độ triển khai vaccine hiện tại, 109 quốc gia sẽ không đạt mục tiêu của WHO là 70% dân số thế giới phải được tiêm chủng đầy đủ trước tháng 7, ông Tedros nói thêm. Tỉ lệ tiêm chủng này được coi là giúp chấm dứt giai đoạn cấp tính của đại dịch.
"Liều nhắc lại này tới liều nhắc lại khác ở một số quốc gia sẽ không kết thúc đại dịch trong khi hàng tỉ người vẫn hoàn toàn không được bảo vệ" - ông Tedros lưu ý.
Cố vấn của WHO Bruce Aylward cho hay, 36 quốc gia trên toàn cầu thậm chí chưa đạt được 10% bao phủ tiêm chủng. Trong số những bệnh nhân nặng trên toàn thế giới, 80% không được tiêm chủng.
Trong báo cáo dịch tễ học hàng tuần công bố ngày 6.1, WHO thông tin, so với một tuần trước đó, trong tuần tính tới ngày 2.1, số ca mắc COVID-19 tăng 71%, tương đương 9,5 triệu. Trong khi đó, số ca tử vong giảm 10%, tương đương 41.000 ca.
Bà Maria van Kerkhove, trưởng nhóm chuyên môn của WHO về COVID-19, cho biết, một biến thể COVID-19 mới khác, biến thể B.1.640 - lần đầu tiên được ghi nhận ở nhiều quốc gia vào tháng 9.2021 - nằm trong số những biến thể đang được WHO giám sát nhưng biến thể này không lưu hành rộng rãi.
Có hai danh mục phân loại đáng lưu ý hơn mà WHO sử dụng để theo dõi các biến thể là "biến thể đáng lo ngại” - bao gồm Delta và Omicron và “biến thể cần quan tâm”.